Trăng xanh sẽ xuất hiện vào ngày cuối cùng của tháng 7 này. Có những đồn đoán và thậm chí hiện nay vẫn còn nhiều người tin vào ma sói xuất hiện vào ngày này. Vậy ánh trăng tròn có thực sự tác động lên con người khiến hành vi của họ mất kiểm soát hay không?
Căn bệnh người sói
Nhiều người vẫn cho rằng, trăng tròn hay trăng xanh ảnh hưởng phần lớn đến cách cư xử và sự biến đổi hình dáng cơ thể của người bị ảnh hưởng. Theo truyền thuyết xa xưa, người sói là những con người bình thường cho đến khi ngày trăng tròn tới, do bị dính vào một lời nguyền, họ sẽ biến thành những con sói man rợ, phá phách dân làng. Giống như phù thuỷ, họ bị săn đuổi vào thời trung cổ và bị buộc tội trong những vụ giết người không thể giải thích. Những câu chuyện truyền miệng cũng nói đến một chứng rối loạn hooc-mon khiến lông mọc rậm rạp trên cơ thể, được gọi là “căn bệnh người sói”.
Có thể bạn quan tâm:
- Tin vũ trụ nóng nhất: Ngắm trăng xanh kỳ thú đúng rằm tháng 7
- Hiện tượng ‘trăng xanh’ mang lại điềm báo tai họa thế nào?
- Vì sao ‘Trăng Xanh’ lại cực hiếm? Giải đáp mọi thắc mắc
Khái niệm ma sói và người sói thường hay bị nhầm lẫn. Người sói là những người từ nhỏ được bầy sói nuôi dưỡng và chăm sóc, học cách sống của loài sói, cách săn mồi, tập quán ăn uống. Người sói giống hệt những con sói hoang dã nhưng họ hoàn toàn vô hại với con người. Còn ma sói là những người vốn rất bình thường nhưng vào những đêm trăng tròn, họ sẽ biến thành ma sói và gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp nơi. Ma sói giết người hoàn toàn theo bản năng, không cần trải qua thời gian dài học hỏi.
Điều đặc biệt là ma sói không ăn thịt con người, chúng chỉ thích giết người như một niềm vui. Tuy nhiên, truyền thuyết vẫn chỉ là truyền thuyết. Một số nhà nghiên cứu cho rằng ma sói thực chất là triệu chứng của một căn bệnh phối hợp giữa bệnh dại, bệnh rậm lông, chứng hoang tưởng ảo giác, tóc và răng có màu đỏ. Có nhà khoa học gọi đó là bệnh mộng tưởng lâm sàng, trong đó một người bị tác động bởi một lòng tin hoang tưởng mà chính mình tự đặt ra, một tình trạng tương tự chứng loạn tinh thần. Nhưng đến hiện tại vẫn còn nhiều người tin vào ma sói. Một cuộc khảo sát ở Mỹ cho thấy khoảng 40% dân số và 80% chuyên gia thần kinh tin rằng mặt trăng ảnh hưởng đến cách cư xử. Nhưng hơn 99% các chứng cứ tìm được cho thấy điều ngược lại.
Lâu nay, nhiều người cho rằng trăng tròn có liên quan đến danh sách khổng lồ những nỗi khổ của loài người, bao gồm tai nạn, chứng nghiện rượu, sự lo lắng, các cuộc tấn công, hoạt động đánh bạc, bạo lực gia đình, bệnh trầm cảm, lạm dụng thuốc và các ca cấp cứu khẩn cấp, các thảm họa nhân tạo, bắt cóc, giết người, thảm họa thiên nhiên, gây rối trong tù, tự hủy hoại bản thân, tai nạn với súng, đâm chém, tự tử… Tuy vậy, trong xã hội công nghệ hiện đại, mặt trăng không làm người ta phát điên, không làm tăng số ca cấp cứu và cũng không có liên quan đến danh sách nỗi khổ của loài người. Một lý giải khác được đưa ra để giải thích cho hiện tượng không tồn tại này là mặt trăng có một ảnh hưởng rất lớn đến thủy triều và thủy triều lại là nước. Vì vậy, mặt trăng ảnh hưởng mạnh đến con người vì trong cơ thể ta chủ yếu là nước.
Đương nhiên là “lý thuyết” này có nhiều điểm không hợp lý. Đầu tiên, thủy triều xuất hiện là do đại dương khá lớn và chúng chủ yếu là chất lỏng. Chúng vẫn xuất hiện nếu chất lỏng đó là hidro lỏng, thủy ngân lỏng, thậm chí sắt nóng lỏng, không nhất thiết phải là nước mới có thủy triều. Thứ hai, thủy triều chỉ xảy ra ở một khoảng rộng chứ không phải trong cơ thể nhỏ bé của con người.
Thứ ba, dù là trăng non hay trăng tròn thì vẫn có thủy triều. Mặt trăng vẫn tác động lực hấp dẫn lên trái đất ngay cả khi mặt trời không chiếu sáng nó hoàn toàn. Nhìn chung, ánh trăng vẫn chỉ là ánh trăng mà thôi. Do đó, theo các nhà tâm lý học đến từ Canada, trăng tròn không phải là nguyên nhân khiến con người phát điên và biến thành ma sói.
Trăng tròn “vô tội”
Giáo sư Genevieve Belleville và các cộng sự thuộc trường đại học Laval đã tiến hành một nghiên cứu trong vòng 3 năm với 770 bệnh nhân mắc bệnh tâm thần. Những bệnh nhân này có các triệu chứng từ hoảng loạn cho đến muốn tự tử và bị đau ngực đầy bí ẩn. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng không có mối liên quan nào giữa hiện tượng trăng tròn và bệnh tâm thần. Các nhà khoa học cũng giải thích rằng triệu chứng đau ngực bí ẩn là do liên quan tới sức khỏe thần kinh. Nói chuyện với tờ Telegraph, giáo sư Belleville nói: “Bệnh tâm thần tăng lên trong những ngày trăng tròn có thể là do trùng hợp ngẫu nhiên hoặc do những yếu tố khác. Nhưng điều chắc chắn là chúng tôi không nhận thấy hiện tượng trăng tròn hay trăng non ảnh hưởng tới vấn đề tâm lý của họ”.
Điều duy nhất liên quan đến trăng tròn là các nhà khoa học phát hiện thấy các rối loạn lo lắng của bệnh nhân giảm 32% trong tuần cuối của kỳ trăng. Các nhà nghiên cứu cho biết những kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp đẩy lùi những suy nghĩ sai lầm về mối liên quan bí ẩn giữa hiện tượng trăng tròn và những vấn đề về tâm lý. Ngoài hiện tượng trăng tròn, người ta còn đổ lỗi cho ánh trăng xanh cũng tác động đến con người, điều khiển con người, khiến họ có những hành vi điên rồ không thể kiểm soát. Việc trăng tròn xuất hiện đến hai lần trong cùng một tháng đã làm dấy lên vô số lời đồn thổi về hậu quả do nó gây ra. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng hiện tượng trăng xanh khiến người phát điên thực tế chỉ là chuyện hoang đường.
Trang Live Science dẫn lời các chuyên gia thiên văn học cho biết, trăng xanh gần nhất rơi đúng vào ngày 31/08/2012. Đây là một hiện tượng đặc biệt, chỉ xảy ra trung bình 2,7 năm 1 lần. Lần trăng xanh tiếp theo sẽ không xuất hiện cho mãi tới năm 2015. Nhiều người tin trăng xanh là lúc mọi người nên chốt chặt cửa trong nhà vì các truyền thuyết về ma sói và các hiện tượng khiến nhiều người nhập viện, đều “quy tội” cho trăng xanh có liên quan đến những hành vi bất thường. Để “giải oan” cho trăng xanh, các nhà khoa học lại tiếp tục vào cuộc.
Năm 1996, các nhà nghiên cứu Mỹ đã lật lại sổ lưu hơn 150.000 cuộc thăm khám bệnh tại khoa cấp cứu của một bệnh viện ở vùng ngoại ô. Họ không phát hiện bất kỳ sự khác biệt nào giữa các đêm trăng tròn với những đêm khác của tháng. Một số cuộc nghiên cứu khác đã thử mối liên quan giữa con người và mặt trăng nhưng họ đều thất bại trong việc khám phá ra việc trăng tròn tác động tới việc nhập viện cấp cứu vì tâm thần, động kinh hay phẫu thuật. Các nhà khoa học rút ra kết luận, nhiều khả năng nhất là những truyền thuyết về bệnh tật, việc phát điên và trăng tròn là những ví dụ của “xu hướng chứng thực”, khái niệm các chuyên gia tâm lý học dùng để chỉ xu hướng ghi nhớ thông tin một cách chọn lọc của con người.
Nếu bạn là y tá tại khoa cấp cứu bệnh viện đang có một đêm làm việc bận rộn và bất chợt nhận ra hôm nay trăng tròn, bạn nhiều khả năng sẽ ghi nhớ điều này hơn là vào một đêm bận rộn nhưng trăng khuyết. Nếu con người không bị tác động gì, liệu động vật có chịu ảnh hưởng nào đó khi trăng tròn? Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí của Hiệp hội Thú y Mỹ năm 2007 cho thấy, có nhiều chó và mèo được chủ đưa tới phòng khám cấp cứu tại Đại học Colorado hơn vào các đêm trăng tròn. Cụ thể là, số lần phải thăm khám bác sĩ thú y khẩn cấp của các con mèo tăng 23% vào dịp trăng tròn so với các giai đoạn khác của Mặt trăng, trong khi con số này ở chó là tăng 28%.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, có thể đêm trăng tròn sáng rõ khiến nhiều người ra ngoài đi dạo hơn cùng với vật nuôi của họ nên đã làm tăng nguy cơ khiến chúng bị thương. Trăng xanh xảy ra vào ngày 31/07/2015 tới đây. Như các bạn đã biết, khi xảy ra Nguyệt thực, Mặt Trăng sẽ đổi màu thành màu đỏ cam và người ta còn gọi nó là Mặt Trăng máu. Vậy còn Trăng xanh thì như thế nào ? Mặt Trăng có thực sự biến thành màu xanh không ?
Thực ra, Trăng xanh (hay Blue Moon trong tiếng Anh) chỉ là một khái niệm của phương Tây để chỉ hai lần trăng rằm trong cùng một tháng dương lịch. Bởi vì theo lẽ thường thì một năm dương lịch có 12 tháng dương lịch, và một năm dương lịch sẽ có 12 lần trăng tròn, nên tương đương một tháng dương lịch sẽ có một lần trăng tròn. Tuy nhiên, do mỗi năm dương lịch dài hơn mỗi năm âm lịch 11 ngày, nên những ngày này sẽ dồn lại qua các năm, mà chính xác là sau 2,7 năm dương lịch, là sẽ có thêm một lần trăng tròn.
Trong tính toán ngày tháng cho Mùa Chay và Lễ Phục Sinh thì giới tu sĩ Công giáo phải xác định ngày diễn ra Trăng Mùa Chay. Người ta cho rằng theo dòng lịch sử khi thời điểm trăng tròn đến quá sớm thì họ gọi kỳ trăng tròn sớm đó là Trăng phản, tức là Trăng phản bội hay Trăng màu, tức là Trăng màu sắc. Và như vậy Trăng Mùa Chay đã đến vào đúng thời điểm dự kiến dành cho nó. Còn theo văn hoá dân gian phương Tây thì người ta đặt tên cho ngày trăng tròn theo thời gian của năm. Mặt Trăng đến quá sớm mà không có tên dân gian – được gọi là Trăng xanh – để tính đúng thời gian trong lần trăng sau.
Lịch nhà nông định nghĩa từ Trăng xanh là kỳ trăng tròn dư thừa xảy ra trong một mùa. Thông thường một mùa có ba lần trăng tròn, nhưng nếu một mùa có bốn lần trăng tròn thì lần trăng tròn thứ ba được gọi là Trăng xanh. Lưu ý rằng mùa tại các quốc gia vùng vĩ độ ôn đới nói chung được coi là bắt đầu vào các ngày phân (xuân phân, thu phân) hay ngày chí (hạ chí, đông chí) nên Trăng xanh theo cách hiểu này nếu xảy ra thì đều rơi vào khoảng thời gian xấp xỉ 1 tháng trước ngày chí hay ngày phân.
Định nghĩa được dùng gần đây được giải thích là đêm trăng tròn lần thứ hai trong tháng dương lịch bắt nguồn từ một nhầm lẫn vào năm 1946 và đến năm 1999 mới được phát hiện. Thí dụ, ngày 31/12/2009 được gọi là Trăng xanh theo định nghĩa này. Ngoài ra, Trăng xanh còn là một từ thuộc một cụm từ trong tiếng Anh để chỉ các sự kiện hay sự việc hiếm gặp. Thí dụ khi bạn nói “Once in a blue moon I buy fashion magazine”, nghĩa là “Tôi rất hiếm khi mua tạp chí thời trang”. Hay “He meets his daughter once in a blue moon”, nghĩa là “Anh ta rất hiếm khi gặp mặt con gái của anh ấy”.
Nhưng tại sao lại là màu xanh mà không phải các màu sắc khác ? Trước đây đã có nhiều đề xuất hãy thay đổi Trăng xanh cho cái tên Trăng Phản Bội, vì Trăng Phản Bội làm cho mọi người có cảm giác là Mùa Chay sẽ tiếp tục kéo dài thêm và họ phải tiếp tục ăn chay thêm một tháng nữa.
Có thể bạn quan tâm:
- Lăng kính – Dụng cụ có nhiều ứng dụng trong sản xuất
- Hành tinh đôi Đông chí – hiện tượng thiên nhiên hiếm có
Nghĩa đen sát nhất của từ Trăng xanh là khi Mặt Trăng (không nhất thiết phải là trăng tròn) xuất hiện với một màu xanh nhạt bất thường và đó là một sự kiện hiếm gặp. Có thể là do khói hoặc các hạt bụi trong khí quyển xuất hiện sau sự kiện cháy rừng ở Thụy Điển và Canada vào năm 1950, đáng chú ý nhất là sau khi vụ phun trào núi lửa Krakatoa vào năm 1883 đã gây ra Mặt Trăng xuất hiện một màu xanh đến gần hai năm.
Thường thì Trăng xanh cách nhau 2 hoặc 3 năm mới xuất hiện lại, nhưng có khi nào hai lần Trăng xanh xuất hiện trong cùng một năm dương lịch không ? Đã từng có như vậy, đó là vào năm 1999, đã có hai trăng rằm trong tháng 1 và hai trăng rằm trong tháng 3 năm đó, tức là tháng 2 dương lịch năm 1999 không có trăng tròn. Tiếp tục hai lần Trăng xanh trong một năm dương lịch sẽ xảy ra vào tháng 1 và tháng 03/2018, và tháng 1 và tháng 03/2037.
Và nó cũng có quy luật, đó là cứ sau 19 năm thì tháng 2 dương lịch sẽ không có trăng tròn, và lúc đó sẽ có hai lần Trăng xanh trong cùng một năm dương lịch, xảy ra vào tháng 1 và tháng 3 dương lịch. Như vậy tóm lại, Trăng xanh chỉ là hai lần trăng tròn xuất hiện trong cùng một tháng dương lịch, khi đó Mặt Trăng sẽ như bao lần trăng rằm khác, tức là nó sẽ không hề đổi màu thành màu xanh. Tuy đây không phải là một sự kiện thú vị để quan sát, nhưng nó là một sự kiện hiếm gặp và ít khi xảy ra hơn so với Nguyệt thực hay còn gọi là Mặt Trăng máu.
Như vậy, nguyên nhân chính khiến mặt trăng có màu xanh là các phân tử bụi phát tán trong không khí có kích thước lớn hơn bước sóng ánh sáng đỏ (0,7 micromet). Chúng có xu hướng tán xạ ánh sáng màu xanh, theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).